Thực tế cho thấy không phải gia đình nào cũng sở hữu một mảnh đất vuông vức với bốn góc cân đối, hài hòa nhau, đặc biệt là ở các khu đô thị, nơi đất chật, người đông và qua nhiều lần phân lô phức tạp. Vậy nếu bạn sở hữu một mảnh đất méo thì làm thế nào để xây dựng được một gia cư vừa đẹp, vừa cân đối, lại che hết được khuyết điểm về mặt bằng? Một số kinh nghiệm xây nhà trên đất méo dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này!
Gọi chung là đất méo nhưng thực tế có nhiều kiểu dáng khác nhau. Dưới đây là 3 dáng đất méo cơ bản bạn có thể bắt gặp:
1. Đất méo một góc
Kiểu đất méo một góc
Đây là trường hợp đất có mặt bằng một bên vuông vức, đường cắt góc gọn gàng còn một bên lại lồi lõm hoặc cắt vát tạo hình thang hoặc hình đa giác. Trong trường hợp này, làm thế nào để xây nhà trên đất méo mà nhìn vào, chúng ta không hề có cảm giác mặt bằng bị lệch? Hãy dịch phần trung tâm nhà (nơi đặt móng xây lên) nằm sát với phía có đường cắt thẳng, phần đất méo mó ở bên đối diện hãy bố trí xây dựng sân vườn, tiểu cảnh, hồ nước, thậm chí là bể bơi, gara ô tô… tùy ý bạn. Tuy nhiên theo ý kiến của chúng tôi, với khả năng phủ lấp mặt bằng cùng hiệu ứng leo cao lên phần không gian phía trên, vườn cây ăn lá hoặc vườn hoa/cây cảnh vẫn là lựa chọn ưu tiên trong trường hợp này.
Vậy nếu mặt bằng có diện tích eo hẹp, bạn không thể chừa quá nhiều đất để khắc phục nhược điểm này thì sao? Hãy tận dụng tối đa mặt bằng để xây nhà và tại vị trí có phần mặt bằng không đẹp, hãy thiết kế tiểu cảnh kết hợp giếng trời hoặc cầu thang bộ, điều này vừa giúp bạn khỏa lấp nhược điểm của khu đất, vừa tạo ra một không gian xanh trong ngôi nhà và sự thu hút của thiết kế đậm chất thiên nhiên này sẽ khiến những người quan sát giảm bớt sự chú ý đến mặt bằng không hoàn mỹ của chúng.
2. Đất méo theo hướng trước – sau
Giới chuyên môn thường gọi dáng đất này bằng hai cái tên phổ biến, đó là nở hậu (trước hẹp – sau rộng) và thóp hậu (trước rộng – sau hẹp).
Với dáng đất nở hậu, bạn nên bố trí khu tiểu cảnh ở phía trước và xây dựng nhà ở phía sau để tạo nên sự cân bằng, đồng thời tạo ra lớp chắn bụi, lọc khí cho khuôn viên ngoại thất của gia đình. Trong trường hợp thế đất hẹp, bạn có thể bố trí lên tầng và phần cầu thang đi lại được đặt ở phần nở hậu sẽ tạo ra kết cấu nhà ở vô cùng hợp lý và thoáng đãng.
Kiểu đất nở hậu
Với dáng đất thóp hậu, nếu bạn muốn xây nhà về phía trước của khu đất thì phía sau nên dùng để xây dựng nhà vệ sinh, khu giếng trời hoặc lắp đặt cầu thang. Ngược lại, nếu bạn muốn xây nhà lùi về phía sau bởi kích thước mặt bằng đủ rộng thì phía trước hãy lắp đặt tiểu cánh, gara để xe hoặc khu vườn trồng rau củ sẽ tạo ra sự cân bằng và hài hòa trong toàn bộ kết cấu nhà ở.
Kiểu đất thóp hậu
3. Đất méo theo nhiều hướng
Đất mất cân đối theo nhiều hướng
Trái khoáy nhất trong các trường hợp phải kể đến loại đất méo nhưng theo nhiều hướng khác nhau và không có hình thù cụ thể. Đây cũng là loại mặt bằng khó xử lý nhất, gây tiêu tốn nhiều công sức thiết kế và xây dựng nhất. Vậy để xây nhà trên đất méo trong trường hợp này, bạn cần phải xử lý như thế nào?
Cách thứ nhất là theo chiều trước sau, trái phải, vẽ ra phần mặt bằng vuông vức và lớn nhất có thể có để xây dựng nhà ở trên khu vực này, sau đó ở những phần đất thừa, lần lượt bố trí tiểu cảnh, nơi đậu xe, vườn rau, khu nghỉ ngơi ngoài trời, hồ bơi… tùy ý. Điều kiện của cách làm này là mặt bằng phải đủ rộng để hoạch định được khu vực nhà ở có diện tích đủ dùng.
Cách thứ hai được ứng dụng trong trường hợp mảnh đất méo có hình đa giác, lúc này cần phân tách khu đất thành những mảnh ghép vuông vức chập lại với nhau và trên những mảnh ghép này, tạo dựng các khu, phòng ở theo nhu cầu của gia chủ. Ở những góc bẻ khó xử lý, hãy đặt nó vào những khu vực kín đáo trong nhà như nhà vệ sinh, phòng ngủ hoặc giếng trời, như vậy sẽ đảm bảo sự cân bằng và giúp nhà ở trở nên đẹp mắt hơn so với những gì mà nó sở hữu.
Ngoài việc vẽ hoạch định nhà ở theo nguyên tắc vuông vức, bạn còn có tạo khối cho nhà ở từ mảnh đất hiện có để đảm bảo tận dụng tối ưu diện tích mặt bằng và chừa lại một phần nhỏ cho khuôn viên sân vườn, giúp tạo nên điều hoàn hảo từ những gì không hoàn hảo.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về kinh nghiệm xây nhà trên đất méo. Hi vọng rằng với những gợi ý này, các bạn sẽ có thêm nhiều ý tưởng khi hoàn thiện nhà ở trên nền đất hạn chế này. Sau cùng, chúc bạn áp dụng thành công và xin chân thành cảm ơn vì đã luôn dõi theo, đồng hành sát cánh cùng những bài viết của chúng tôi! Trân trọng!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.